Hiện nay bệnh bạch hầu đang có xu hướng bùng phát trở lại, Việt Nam đã có ca bệnh tử vong. Vì vậy, người dân cần hiểu rõ thông tin bệnh bạch hầu là gì, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh bạch hầu để ngăn chặn tình trạng lây lan ngoài cộng đồng. Bài viết này sẽ tổng hợp các thông tin liên quan đến căn bệnh này, tham khảo ngay để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình nhé!
1/ Bệnh bạch hầu là gì
-
Bệnh bạch hầu là bệnh gì
Bệnh bạch hầu tên tiếng anh là Diphtheria. Là loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra.
Bệnh bạch hầu được phát hiện lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên. Trên thế giới từng ghi nhận những đợt bùng phát bệnh bạch hầu trong những năm 80 của thế kỷ 20 tại các quốc gia như Nga, Ukraina,… Năm 1994, có hơn 39.000 bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại Nga, trong đó có đến 1.100 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, năm 1983 có đến gần 3.500 ca bệnh bạch hầu. Nhờ vào vắc xin phòng ngừa bệnh, tỷ lệ ca bệnh đã giảm nhanh chóng sau đó. Tuy nhiên, từ năm 2020, tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh bạch hầu có xu hướng gia tăng trở lại với 226 ca mắc trong cùng kỳ năm. Vào đầu tháng 07/2024, nước ta cũng đã ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu.
-
Các loại bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu được phân thành hai loại là bạch hầu đường hô hấp và bạch hầu ngoài đường hô hấp.
– Bạch hầu hô hấp
Bệnh bạch hầu hô hấp còn được gọi là bệnh bạch hầu họng. Đây là loại bạch hầu phổ biến nhất (chiếm 40-70% trường hợp), ảnh hưởng đến mũi, họng, amidan và thanh quản của người bệnh.
– Bạch hầu ngoài đường hô hấp
Bạch hầu da và các màng nhầy khác như: Niêm mạc, kết mạc và vùng âm hộ – âm đạo, ống tai ngoài, …. Dạng bạch hầu ngoài này thường hiếm gặp hơn so với bạch hầu họng. Bạch hầu da dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, lở loét trên da. Các vết thương trên da có thể để lại sẹo vĩnh viễn.
2/ Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
-
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Loại vi khuẩn này có 4 tuýp là gravis, intermedius, mitis và belfanti, đều có thể sinh độc tố, gây ra bệnh nghiêm trọng.
Vi khuẩn này có sức đề kháng cao khi ở môi trường bên ngoài và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh cơ thể, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần.
Một đặc điểm khác của vi khuẩn bạch hầu là sự nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ. Với nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ thì vi khuẩn có thể sống được 1 phút.
-
Bệnh bạch hầu lây lan qua đường gì?
Có 3 nguồn chính lây nhiễm bệnh bạch hầu bao gồm:
– Tiếp xúc giọt bắn trong không khí có vi khuẩn
Bệnh bạch hầu thường lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt bắn trong không khí sau khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ.
– Tiếp xúc đồ vật bị nhiễm khuẩn
Vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt đồ vật nhiều ngày. Do đó, việc chạm vào vật các món đồ vật bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là đồ dùng cá nhân của người bệnh, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.
– Tiếp xúc với dịch tiết vết thương
Nếu bệnh ở ngoài da, bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc với vết thương, vết loét do nhiễm trùng của người bệnh.
3/ Triệu chứng bệnh bạch hầu
Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn bệnh này, người bệnh có thể trải qua thời gian ủ bệnh khoảng 2 đến 5 ngày và giai đoạn này, thường không xuất hiện các biểu hiện bệnh.
Bước sang thời kỳ khởi phát, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng sốt nhẹ, đau họng, chảy nước mũi, da xanh, mệt mỏi toàn thân,…
Đến giai đoạn toàn phát, bệnh nhân thường có thể gặp phải hàng loạt các triệu chứng bất thường tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh.
-
Bệnh bạch hầu mũi
Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
-
Bệnh bạch hầu họng và amidan
Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 – 3 ngày xuất hiện hoại tử, tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ, làm cổ bạnh ra đôi khi gây khó thở. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
-
Bạch hầu thanh quản
Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc xuất hiện tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
-
Dấu hiệu bệnh bạch hầu ở trẻ em
Đối với trẻ em, khi mắc bạch hầu trẻ sẽ bị viêm họng, mũi, thanh quản, họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi khám thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu.
4/ Bệnh bạch hầu có chữa được không
-
Cách điều trị bệnh bạch hầu
Việc điều trị bệnh không khó nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đúng phác đồ, đúng thuốc. Nếu chủ quan, không điều trị, điều trị muộn thì bệnh trở thành cấp tính, tỉ lệ tử vong tương đối cao đến 10%. Người bệnh mắc bạch hầu thể tối cấp thì có thể tử vong trong vòng 24 – 48 tiếng.
Các biện pháp điều trị bệnh bạch hầu: Sự dụng các thuốc kháng độc tố, kháng sinh, liệu pháp oxy và hỗ trợ thở khác; Điều trị hỗ trợ nếu bị sốt cao, khó nuốt…; Theo dõi tình trạng bệnh nhân, đặc biệt là tình trạng hô hấp.
-
Bệnh bạch hầu có chữa được không
Bệnh bạch hầu có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, một số biến chứng bệnh có thể cần thời gian hồi phục lâu hay thậm chí để lại tổn thương vĩnh viễn.
Hầu hết những người mắc bệnh bạch hầu đều sống sót sau những biến chứng, nhưng quá trình phục hồi thường chậm.
Vì vậy, khi có các biểu hiện bệnh nêu trên thì đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và điều trị.
Đối với trẻ em, nếu không chắc chắn trẻ đã được tiêm phòng bệnh bạch hầu hay chưa, thì cũng nên đưa con đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, đồng thời kiểm tra lại vấn đề tiêm chủng của trẻ.
Hiện nay, cách phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là thực hiện tiêm vaccine. Có rất nhiều loại vacxin bạch hầu như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, người già,… Hiện nay trẻ sơ sinh từ 6 tuần được khuyến khích tiêm bạch hầu đúng lịch Tiêm chủng của Bộ Y tế ban hành. Người lớn có thể tiêm phòng mũi nhắc lại bạch hầu trước năm 65 tuổi.
-
Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu
Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu có mặt trong tất cả các loại vắc-xin kết hợp như: Vắc-xin 3 trong 1, vắc-xin 4 trong 1, vắc-xin 5 trong 1 hay vắc-xin 6 trong 1 dành cho trẻ từ độ tuổi 6 tuần tuổi cho đến 6 tuổi.
– Vắc-xin 6 trong 1 có thể phòng ngừa 6 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan b, bại liệt và bệnh do Hib.
– Vắc-xin 5 trong 1 phòng 5 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và bệnh do Hib
Vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ComBE Five giúp phòng 5 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib và viêm gan B.
– Vắc-xin 4 trong 1 giúp phòng ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
– Vắc-xin 3 trong 1 giúp phòng ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Bệnh bạch hầu là gì? Là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm B, thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn chưa có miễn dịch. Ở nước ta, bệnh bạch hầu vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn dù đã có vắc-xin phòng ngừa bệnh bạch hầu. Mong rằng với những thông tin về phòng ngừa bệnh bạch hầu đúng cách, sẽ giúp chúng ta khống chế được dịch, không cho dịch bệnh bùng phát.
Xem thêm: Top 10 sữa tăng chiều cao cho người trưởng thành tốt nhất thế giới